Màu đỏ cánh gián từ mật mía khiến món bánh trùng trở nên thật lôi cuốn. Gừng tươi thoảng vị thơm cay. Vừng rang vàng thơm ngát mũi. Theo kinh nghiệm của những người làm bánh trùng mật mía ngon, nhất thiết phải chọn gạo nếp thơm, hạt trắng, chắc mẩy, không lẫn tạp, đãi kỹ, ngâm qua một đêm rồi mới nghiền để không bị chua, đồng thời bánh sẽ dẻo lâu hơn. Điều quan trọng là phải để bột đủ ráo, không cứng quá, cũng không nhão quá. Nặn thành những nắm bột có hình quả trám, to hơn bánh trôi bình thường là hoàn thành giai đoạn chuẩn bị bột bánh.

Mật mía có màu đỏ cánh gián rất đẹp mắt, từng hạt mật dẻo dính, bám chắc vào nhau. ( Nguồn: Internet )

Mật mía được sử dụng là loại mật đặc biệt của làng nghề Tân An. Mật đặc sánh, thơm nồng mùi mía nướng, có màu đỏ cánh gián rất đẹp mắt, từng hạt mật dẻo dính, bám chắc vào nhau. Hòa chút nước lọc để mật mía bớt ngọt gắt, khó cháy khi đun nấu. Đập dập một nhánh gừng tươi rồi thả vào để nước mật càng thơm và đậm đà hơn. Đun sôi nước mật, từ từ thả vào từng viên bánh một, tránh thả cùng lúc khiến bánh dính vào nhau. Đun với mức lửa vừa, khi nào nước mật sôi lại lần nữa, bánh trở nên trong hơn cũng có nghĩa là đã chín. Múc tầm 3 – 4 viên bánh vào bát, đổ nước mật lên trên, rắc chút vừng rang thơm phức, món ăn này không những đẹp mắt mà còn sở hữu mùi hương thật khó cưỡng.

Mật mía được đun sôi trước khi thả bánh vào. ( Nguồn: Internet )

Bánh trùng khác bánh chay ở chỗ không có nhân. Lớp mật mía bên ngoài sóng sánh màu đỏ nâu cánh gián tạo nên hương vị thơm ngon đặc trưng cho bánh trùng. Cắn mỗi miếng bánh dẻo trắng lẫn với vị ngọt đậm của mật mía, ta như cảm nhận được sự hài lòng của vị giác trong từng phút giây.

Bánh trùng được nặn thành những nắm bột có hình quả trám, to hơn bánh trôi bình thường. ( Nguồn: Internet )

Bánh trùng mật mía ăn nóng hay nguội đều có cái thú riêng của nó. Mùa hè để nguội ăn mát bụng, đến mùa đông lại ấm sực cả người với bánh trùng mật mía vừa bắc từ bếp xuống, thêm chút nồng cay của gừng tươi.

View more random threads: