Chè kho của thời hiện đại có màu vàng tươi nhờ nấu cùng đường kính trắng. Thực tế, thời xưa khi kinh tế còn khó khăn hơn bây giờ, đâu dễ gì mua được đường kính để chế biến món ăn. Do vậy người ta dùng mật để nấu chè kho, tạo nên một màu vàng nâu rất đỗi ấm áp và giản dị. Hương vị của chè kho “hiện đại” có khác đi một chút, nhưng người ta vẫn nhớ mãi màu sắc và mùi hương của chè kho ngày ấy.

Món chè kho thơm ngon lôi cuốn lòng người. ( Nguồn: Internet )

Nguyên liệu của món ăn này rất đơn giản như những món chè bình thường khác, đó là đậu xanh và đường (mật). Tuy vậy, không phải gia đình nào cũng có thể chế biến được món chè kho thơm ngon, lôi cuốn. Xuất phát từ khâu chọn đậu, hạt đậu nào lòng vàng, thân mẩy, chất lượng đều nhau thì mới cho ra được thành phẩm tốt nhất. Nếu nhặt không kỹ, những hạt lép, hạt sâu sẽ không thể chín và làm món chè bị sượng, mất ngon. 12 tiếng là khoảng thời gian mà người ta ngâm đậu trong nước để tạo độ nở và mềm. Mang đãi sạch lớp vỏ xanh, phần thân đậu màu vàng hấp dẫn được mang ra phơi nắng cho thật ráo. Cuối đông, đầu xuân, không dễ bắt gặp những cơn nắng, bởi vậy các bà, các mẹ vẫn cố gắng chuẩn bị nguyên liệu từ trước Tết để “canh” nắng. Đậu xanh khô rồi, đem xay mịn thành bột, gói kín, cất lên nóc tủ đợi chờ.

Người ta còn dùng thêm nước hoa bưởi để làm món chè kho thêm dậy mùi. ( Nguồn: Internet )

Những ngày sát tết, người ta đun nước với đường, đổ từ từ chỗ bột mịn vào nồi đang sôi, rồi khuấy đều tay, liên tục để đảm bảo chè không bị khê, đậu xanh không bị vón cục. Một điều đặc biệt nữa là người dân Vĩnh Phúc đã tận dụng nước hoa bưởi thơm để khiến món chè dậy mùi hấp dẫn hơn.

Đĩa chè kho hấp dẫn bên chén trà sen thơm ngọt. ( Nguồn: Internet )

Năm hết Tết đến, ngoài ấm trà sen thơm ngọt mà chan chát, mỗi gia đình người Vĩnh Phúc đều chuẩn bị đĩa chè kho mời khách tới thăm nhà. Cái hương vị mùa xuân đặc trưng ấy có lẽ mỗi người con Vĩnh Phúc xa quê đều không thể nào quên.