Xôi đen là món ăn bắt buộc phải có trong lễ tết Thanh Minh của người dân tộc ở Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhà nào không làm xôi đen nhân dịp này tức là đã thất lễ với tổ tiên. Đi tảo mộ có xa hàng mấy ngày đường, xôi đen vẫn thơm ngon như mới. Đó chính là nhờ nguyên liệu đặc biệt của món xôi này.

Xôi đen là món không thể thiếu trong lễ Thanh Minh của người dân tộc ở Tam Đảo. ( Nguồn: Internet )

Lá cây lau xau (còn gọi là lau sau, xau xau) hái từ rừng về trở thành nguyên liệu sử dụng trong món xôi đen của người dân tộc ở Tam Đảo. Lau xau là loại cây thân gỗ, nảy lộc vào tháng 3, tháng 4 dương lịch, là loài cây quý mà lá cây của nó có tác dụng chữa bệnh vô cùng tốt. Người ta hái những chiếc lá lau xau còn non và lá bánh tẻ, tận dụng phần nhựa của hai loại lá này khi giã nhuyễn để nhuộm đen cho từng hạt gạo. Phần lá đã giã đem đun ấm trên bếp củi rồi mới ngâm vào nước cùng gạo nếp ngon từ 2 – 3 ngày liền cho thật thấm và nở hạt, cho đến khi gạo mềm thơm và được nhuộm màu xanh đen thật thẫm thì mới vớt ra mang đi đồ. Xôi đến độ chín liền dậy lên mùi thơm của gạo nếp căng mọng lẫn với hương vị rừng núi của lá lau xau. Bày ra đĩa, xôi đen bóng một màu như hạt nhãn trông thật bắt mắt.

Người ta dùng lá cây lau xau và lá bánh tẻ để nhuộm đen xôi. ( Nguồn: Internet )

Nghe cách chế biến đơn giản thế đấy nhưng không phải ai cũng làm ra được thành phẩm tuyệt vời như vậy. Muốn món xôi có màu sắc đen nhánh, từng hạt nếp dẻo dính, hương xôi thơm nồng nàn, kỹ thuật của người nấu phải chuẩn.

Để có món xôi đen thơm ngon thì cũng phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật người nấu. ( Nguồn: Internet )

Xôi đen giữ được từ 2 – 3 ngày mà vẫn thơm ngon như vừa mới nấu. Loại lá lau xau làm nên món xôi này còn giúp dễ tiêu, chữa đau đầu, bổ dưỡng cho người sốt rét rừng, bổ máu.

Xôi đen Tam Đảo – Kết tinh giữa hương vị núi rừng và sự phóng khoáng. của người dân nơi đây. ( Nguồn: Internet )

Phong vị núi rừng nồng đượm, phóng khoáng đã kết tinh đầy đủ trong món xôi đen giản dị của người dân tộc Tam Đảo này.