Theo quy định tại Điều 1 Bộ Luật Dân Sự số: 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung quy định về khách hàng vay vốn kinh doanh tại tổ chức tín dụng chỉ là pháp nhân, cá nhân tại Thông tư 39 vừa ban hành để phù hợp với Bộ luật này.



Vì vậy, từ ngày 15/3/2017, các đối tượng không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn. Nếu hộ gia đình muốn vay, cá nhân là chủ hộ sẽ phải đứng tên và chịu trách nhiệm trả nợ với tư cách cá nhân. Thông thường, lãi suất vay theo diện cá nhân sẽ được tính như vay tiêu dùng nên sẽ cao hơn so với khi vay vốn kinh doanh lãi suất thấp theo hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp. Điều này khiến các hộ kinh doanh các thể bị ảnh hưởng ít nhiều khi huy động vốn

Theo số liệu từ VCCI, hiện Việt Nam có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh phi chính thức và chính thức. Các hộ kinh doanh này chưa muốn hoặc không muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp vì nhiều lý do. Có 3 lý do chính dẫn đến tình trạng này:

- Thứ nhất, Chủ hộ kinh doanh cá thể chưa có kiến thức cần thiết về thủ tục hành chính, chính sách thuế, lương, bảo hiểm…nên không dám mạnh dạn chuyển đổi lên doanh nghiệp

- Thứ hai, Chủ hộ kinh doanh cá thể lo ngại sau khi chuyển đổi lên doanh nghiệp sẽ bị Cơ quan Thuế nhũng nhiễu gây khó khăn, thậm chí vòi vĩnh nhiều hơn so với khi còn là hộ kinh doanh

- Thứ ba, Hộ kinh doanh có thể dễ dàng đóng cửa khi tình hình kinh doanh không thuận lợi. Nhưng đối với doanh nghiệp, việc giải thể mất rất nhiều thời gian vì liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức và nhiều sổ sách giấy tờ sổ sách trong suốt quá trinh hoạt động.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp là vấn đề tất yếu khi hội nhập. Các hộ kinh doanh cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để không bị bỡ ngỡ khi chuyển đổi.

Nguồn: Dongvon.com