Rừng chít là điểm thú vị mà không phải nơi nào cũng có. Ở Tam Đảo, bát ngát những cánh rừng cỏ chít mọc ven khe suối, phủ kín những bãi bồi. Lá chít dùng để gói bánh là điều khá nhiều người biết, nhưng hóa ra loài cỏ này còn mang đến một món ăn quý: sâu chít. “Đông trùng hạ thảo” trong thuốc bắc của người Trung chắc cũng quý đến vậy mà thôi.

Năm hết Tết đến, ngoài việc hái lá chít về gói bánh thì bà con người dân tộc Sán Dìu, Cao Lan,… rủ nhau bắt sâu chít về để ngâm rượu. Sâu chít nằm ngoan giữa các thân cây chít héo úa, thân sâu dài tầm hai đốt tay, hình dạng khá giống con tằm. Tuy rừng chít bạt ngàn như vậy, mỗi buổi săn lùng tích cực đến mấy cũng chỉ bắt được vài chục con sâu chít. Do vậy mà thứ sâu này đã quý lại càng quý hơn.

Sâu chít sau khi bắt về liền cho ngay vào chai, số lượng càng nhiều càng tốt, rồi đổ ngập rượu. Chỉ khoảng 1 tháng sau lôi chai rượu từ góc tủ sau đã thấy rượu đổi màu trắng ngà và có thể dùng được ngay. Công dụng phổ biến nhất mà người ta tìm thấy ở rượu chít là cải thiện sinh lý đàn ông, do vậy không ít người lên Tam Đảo lùng mua loại rượu bổ này. Ngoài ra, với nhiều dưỡng chất có trong sâu chít, rượu chít cũng là thứ thuốc bổ dành cho người mới ốm dậy. Người già và trẻ em suy dinh dưỡng, hay đau ốm nếu thường xuyên sử dụng sâu chít đập thêm lòng đỏ trứng gà hấp cách thủy sẽ ăn khỏe, ngủ ngon và tình hình sức khỏe nhanh chóng được cải thiện.
Hương vị của rượu chít rất đặc biệt. Nhấp một ngụm nhỏ, cái nồng nàn của rừng núi như vang vọng mãi trong vòm họng. Từng vị chua, vị đắng, vị ngọt, vị nồng quyện lẫn vào nhau, thưởng thức cùng các món nướng ngon lành của xứ sở sương mù này thì ai nấy đều phải tấm tắc.